#109 | Quyền được hưởng thù lao của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Logistic

12/26/2023

Tình tiết sự kiện:

Công ty M (Nguyên đơn) và Công ty L (Bị đơn) xác lập hợp đồng dịch vụ giao nhận và vận chuyển hàng hóa theo đó Bị đơn thuê dịch vụ vận chuyển của Nguyên đơn để vận chuyển hàng đến các cảng trên thế giới. Nguyên đơn đã thực hiện các yêu cầu vận chuyển của Bị đơn nhưng Bị đơn vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Cuối cùng, Hội đồng Trọng tài buộc Bị đơn thanh toán cho Nguyên đơn.

Bài học kinh nghiệm:

Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao (Điều 233 Luật Thương mại năm 2005).

Trong vụ việc trên, Nguyên đơn đã thực hiện các công việc liên quan đến vận chuyển hàng hóa của Bị đơn nhưng Bị đơn chưa thanh toán. Theo Hội đồng Trọng tài, “thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics được quyền hưởng thù lao dịch vụ và chi phí hợp lý khác. Như vậy, do Nguyên đơn đã hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng nên Nguyên đơn được quyền hưởng phí dịch vụ như đã thỏa thuận tại Điều 5 của hợp đồng” và “khách hàng có nghĩa vụ thanh toán cho thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics mọi khoản tiền đã đến hạn thanh toán”.

Như vậy, theo Hội đồng Trọng tài, đây là quan hệ phát sinh từ dịch vụ logistic và doanh nghiệp thực hiện dịch vụ được hưởng thù lao dịch vụ. Hướng giải quyết như vậy là phù hợp với điểm a khoản 1 Điều 235 Luật Thương mại năm 2005 theo đó “trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có các quyền và nghĩa vụ sau đây: Được hưởng thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác”.

Ở đây, quyền được hưởng thù lao của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics đồng nghĩa với nghĩa vụ trả thù lao của bên thuê dịch vụ. Đó là điểm doanh nghiệp thuê dịch vụ logistic cần biết và phải thực hiện đúng thời hạn, nếu không, như Hội đồng Trọng tài đã quyết định, Bị đơn phải thanh toán “tiền lãi phát sinh đối với nợ gốc do chậm thanh toán” và “phải chịu toàn bộ phí trọng tài” cho Nguyên đơn.

*Tuyên bố bảo lưu: Bài viết được đăng tải với mục tiêu cung cấp thông tin có giá trị tham khảo đối với các Trọng tài viên, các bên tranh chấp, những người tham gia tố tụng trọng tài cũng như những người đang nghiên cứu và tìm hiểu về phương thức trọng tài thương mại và không có bất kỳ mối liên hệ hay có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Mọi sự dẫn chiếu, trích dẫn từ bên thứ ba bất kỳ đến một phần hoặc toàn bộ nội dung tại bài viết này đều không có giá trị và không được VIAC thừa nhận. 

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI